Theo báo cáo Tổng cục Phòng chống thiên tai, khu vực miền núi phía Bắc có địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa… là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán... Từ tháng 11/2022 - 1/2023, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp, nguy cơ thiếu nước cục bộ có khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Bắc trong mùa khô năm 2023. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên khu vực đã xảy ra 26 trận dông, lốc, sét, mưa đá; 111 trận mưa lớn lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại; 14 trận động đất. Tính đến ngày 30/10/2022, thiên tai đã làm 58 người chết, mất tích; 35 người bị thương; 68 nhà sập đổ, 3.880 nhà bị hư hại, tốc mái; 25.145 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.500 tỷ đồng.
Tại Lào Cai, từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra 16 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường. Trong đó, mạnh nhất là đợt ngày 31/1 - 6/2 và đợt ngày 20 - 25/2, không khí lạnh tăng cường mạnh và liên tục gây rét đậm, rét hại trên toàn tỉnh; khu vực vùng núi cao thuộc các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát xuất hiện sương muối và băng giá đã gây thiệt hại nặng nề trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn diễn ra trong điều kiện tự nhiên nên thường chịu tác động trực tiếp và nặng nề của thiên tai. Diễn đàn “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là việc giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả tại các địa phương, qua đó đề ra các giải pháp cụ thể góp phần cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý, các đơn vị chuyên môn, chính quyền và người dân các địa phương tham khảo, ứng dụng và triển khai trong thực tiễn sản xuất.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi những giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp như nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng, mưa, lũ cục bộ; Xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; Lập bản đồ cảnh báo thiên tai nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; Nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết…/