Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày 9/9/2022, tại Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển”.



Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tại Việt Nam, nhất là một số tỉnh phía Bắc có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ thuận lợi cho nuôi lồng bè. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000 ha; trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha.

Nhiều loại cá nuôi lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao như cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển... Cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con và 387 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, sản lượng sản xuất thực tế đạt 41,1 tỷ con. Số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ bờ đến 3 hải lý là 6.506 cơ sở.

Thức ăn cho nuôi biển được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp. Thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển.

Hiện nay, đã có một số kết quả nghiên cứu trong nuôi cá biển như nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá song, chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ, giò, sủ đất...); đang nghiên cứu sản xuất giống cá song vua...; Nghiên cứu thành công thức ăn cho cá chim vây vàng, song, vược, giò; Đã có một số doanh nghiệp sản xuất lồng nuôi cá biển bằng vật liệu composite và HDPE.

Tuy nhiên, nuôi biển nói chung và cá biển nói riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu; Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn; Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với thời tiết Việt Nam chưa phát triển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm; Sử dụng cá tạp làm thức ăn, dễ gây ô nhiễm môi trường; Vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn hạn chế; Lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn, nhiều tham luận, ý kiến đề xuất của đại biểu nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Tổng cục Thủy sản đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển, trong đó có giải pháp như: Thực hiện chương trình nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới về gia hóa và chọn giống nhằm liên tục cải tiến chất lượng của con giống bố mẹ. Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ương dưỡng con đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng và giảm thiểu phát thải các khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển xanh; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho các vùng nuôi, đối tượng nuôi theo hướng an toàn, bền vững; Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi (gió, bão...); Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về tầm quan trọng phát triển công nghiệp nuôi biển; xây dựng và nhân rộng các điển hình thành công trong công nghiệp nuôi biển; Đổi mới và xây dựng các chương trình đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp, tương đồng với khu vực và thế giới...

Với mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc./ 

 

T.H



31124