Tính đến thời điểm cuối quý I/2023, tổng đàn trâu và đàn bò của Hoàng Su Phì đạt 22.120 con , đàn lợn là 48.120 con và đàn dê đạt trên 9.740 con; tổng đàn gia cầm vào khoảng 338.100 con. Số lượng đàn gia súc, gia cầm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ những năm trước, riêng đàn trâu tăng 450 con so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có 342 mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong những năm qua, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chọn lọc và nhân giống đối với các loại gia súc, gia cầm chủ đạo của địa phương như giống trâu, bò, dê, gà địa phương….bằng phương pháp chọn lọc giống bố mẹ và đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc; bên cạnh đó, các phòng ban chuyên môn của huyện như Trạm Khuyến nông, Trạm thú y đã đẩy mạnh chuyển giao các tiên bộ kỹ thuật tới người nông dân như kỹ thuật và phương pháp ủ chua thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông; phương pháp vệ sinh và tẩy uế khu chuồng trại chăn nuôi bằng một số loại hóa chất được huyện cung ứng; phương pháp nhận biết và phát hiện sớm các triệu chứng của một số bệnh chủ yếu trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo người dân qui hoạch các khu chăn thả gia súc tập trung….Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và người dân tận dụng các khu đất đồi và chuyển các diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; tính đến cuối quý I/2023 tổng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi của Hoàng Su Phì đạt 513 ha và phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt trên 600 ha.
Do đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong chăn nuôi, xây dựng các khu chăn thả theo qui mô đàn và đảm bảo kỹ thuật nên tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn của huyện Hoàng Su Phì không ngừng được tăng lên. Bên cạnh đó đàn gia súc, gia cầm của huyện luôn được các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm duyệt chặt chẽ. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện còn đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho toàn thể nhân dân trong huyện.
Ngoài ra, để bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông, các cơ quan chuyên môn của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tại các xã… sử dụng các diện tích đất đồi để phát triển trồng cỏ và tận dụng các nguồn thức ăn từ sản phẩm phụ trong nông nghiệp nhằm phục vụ cho chăn nuôi gia súc; các cơ quan chuyên môn trên của huyện như Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y… luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân dự trữ và chế biến các nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông.
Trên cơ sở xác định chăn nuôi là ngành sản xuất chính và để không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình phát triển chăn nuôi, các hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì luôn đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình chăn nuôi nhất là từ khâu chọn giống, đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc, vệ sinh và khử trùng chuồng trại đến công tác phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, để làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các phòng ban chức năng có kế hoạch dập dịch dứt điểm khi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không để dịch lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó UBND huyện Hoàng Su Phì đã đề ra các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chăn nuôi theo thế mạnh của từng vùng trên địa bàn của huyện.
Đồng chí Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong các thế mạnh của huyện. Vì vậy, trong những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình chăn nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn có các biện pháp cụ thể nhằm giúp người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Cũng nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên chăn nuôi gia súc, gia cầm của huyện ngày càng được nâng cao về hiệu quả kinh tế.