Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và WB được lập theo chu kỳ và xây dựng thành Khung Đối tác quốc gia trên cơ sở hài hòa giữa các ưu tiên của WB và Chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm của Việt Nam. Hiện nay WB đang xây dựng Khung Đối tác quốc gia cho giai đoạn 2023-2027 và tiến hành tham vấn các cơ quan, bộ ngành liên quan trọng đó có Bộ NN&PTNT.
Trong cuộc gặp trao đổi lần này, mục tiêu chính trong Khung đối tác Quốc Gia 2023-2027 đề xuất gồm:
- Tăng cường quản trị nền kinh tế và kỹ năng để tăng năng suất và hiệu quả.
- Tăng cường sự giám sát và đa dạng trong lĩnh vực tài chính nhằm tăng cường khả năng chống chịu và bao trùm.
- Cải thiện thích ứng khí hậu, đặc biệt là cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực dễ bị tổn thương khác.
- Giảm thiểu các bon trong tăng trưởng và tăng cường chuyển dịch năng lượng sạch.
Tại buổi gặp gỡ, bà Stefanie Stallmeister mong muốn được cùng phía Bộ NN&PTNT trao đổi để cải thiện quản trị kinh tế và kỹ năng nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; Tăng cường giám sát và đa dạng hóa khu vực tài chính; Cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực địa lý dễ bị tổn thương khác; Đầu tư xanh và chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp; Tăng khả năng tiếp cận việc làm tốt hơn thông qua nâng cao năng suất và tăng trưởng bền vững cũng như tạo sinh kế bền vững thông qua thích ứng với rủi ro khí hậu. Cụ thể như phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng; tăng cường khả năng năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; các chương trình, dự án hạ tầng có quy mô lớn, có tính lan tỏa.

Bà Stefanie Stallmeister – Giám đốc điều hành dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Cục thủy lợi – Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong cho biết: Nông nghiệp Việt Nam cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn WB từ các dự án lớn. Nhiều dự án khi hoàn thành đem lại lợi ích rất lớn cho người dân làm nông nghiệp về nuôi, trồng, tưới tiêu cũng như hạn chế được rủi ro thiên tai mang lại. "Chúng tôi mong muốn phía Ngân Hàng thế giới hỗ trợ về an ninh nguồn nước. Có thể nguồn vay khó tiếp cận nhưng phía WB có thể hỗ trợ về phần kỹ thuật để Việt Nam tiếp cận những công nghệ mới giúp cho việc quản lý tốt hơn", ông Nguyễn Tùng Phong đề xuất.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết: Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng Sông cửu long do Ngân hàng WB hỗ trợ hiện nay đang thực hiện rất hiệu quả. Lợi ích của dự án đã giúp tạo sinh kế, việc làm, thu nhập và góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương, đặc biệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc khai thác quản lý và bảo vệ môi trường. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi phục vụ cho sản xuất, dân sinh được tăng cường đầu tư và góp phần rất quan trọng vào phát triển hạ tầng các xã nghèo nơi đây.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình thời tiết khó lường do biến đổi ngày càng nghiêm trọng. Tại các vùng miền núi phía bắc thường xuyên xảy ra sạt lở tại các vùng miền núi. Phía JICA cũng đã có dự án hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật áp dụng các công nghệ mới của Nhật Bản để giảm thiểu rủi ro, trong thời gian tới bộ NN&PTNT mong muốn phía WB quan tâm hơn nữa để mở rộng dự án, điều tra tác động trên diện rộng hơn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết rất vui mừng khi được tiếp đón đoàn công tác Khung đối tác Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) 2023-2027. Trong suốt 30 năm qua với nỗ lực và hỗ trợ từ WB, Việt Nam đã từng bước thoát nghèo và được xếp vào nước có mức thu nhập trung bình và đây là một niềm vui lớn. Tuy Việt Nam vẫn phải nỗ lực nhiều hơn để trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức cao hơn. Để làm được điều đó, nền nông nghiệp của Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì nền kinh tế của Việt Nam 70% là từ nông nghiệp, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới tiên tiến, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh. Do vậy trong thới gian tới, Bộ NN-PTNT mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa với phía WB. Nhất là vấn đề thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản của Việt Nam, Việt Nam rất cần WB cùng chung tay với Bộ NN&PTNT để vấn đề này sớm được giải quyết trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng mong rằng hợp tác của 2 bên cùng bền chặt và phát triển hơn nữa trong tương lai.