Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tỉnh cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.


Ảnh minh họa: Nuôi tôm hùm

Về nuôi thương phẩm: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 276 bè nổi/2.642 lồng nổi đang nuôi tôm hùm thương phẩm, đối tượng nuôi là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Sản lượng thu hoạch tôm hùm thương phẩm khoảng 80 tấn/năm; Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 800 lồng/50 hộ nuôi các đối tượng cá biển như cá bớp, cá chim, cá mú... sản lượng thu hoạch cá thương phẩm trung bình khoảng 500 tấn/năm; Tại Ninh Thuận tập trung chủ yếu khu vực đầm Nại có khoảng 400 bè nuôi nuôi hàu. Sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 2000 tấn/năm; Trồng rong rụn chủ yếu tại huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải, diện tích trồng khoảng 20 ha sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn rong tươi/năm.

Hiện tại công nghệ nuôi lồng bè tại Ninh Thuận chủ yếu sử dụng khung gỗ liên kết lại với nhau bằng dây cước, bu lông tạo thành các ô vuông để nuôi; vật liệu nổi để nâng đỡ hệ thống ô lồng là các thùng nhựa... Tuy nhiên, với công nghệ này người nuôi hay gặp phải những khó khăn do kết cấu lồng bè khi hoạt động ở môi trường nước biển có tuổi thọ không cao, thường xuyên phải sửa chữa, thay thế dẫn đến tăng chi phí sản xuất trong quá trình nuôi.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận triển khai mô hình thí đểm sử dụng lồng HDPE nuôi cá chim vây vàng với quy mô 1 lồng tròn đường kính 10 m. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, đã có 5 lồng HDPE với đường kính lồng là 13m, 15m, 17m và 20m.

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã đưa ra một số giải pháp nghề nuôi trồng thủy sản trên biển như sau: Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; gia tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển; Xây dựng quy trình nuôi các đối tượng nuôi thủy sản lồng bè có giá trị kinh tế cao, chịu đựng được điều kiện sóng gió và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và đáp ứng được yêu cầu thị trường truong nước và xuất khẩu; Xây dựng quy trình xử lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi biển; Thực hiện xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; nghiên cứu xây dựng quy trình ương dưỡng giống thứ cấp đảm bảo kích cỡ và chất lượng phù hợp với điều kiện sóng gió và thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất giống rong tảo biển phục vụ cho nghề sản xuất tôm giống, cá biển giống và cung cấp nguyên liệu cho ngành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm; Khuyến khích, tuyên truyền các cơ sở nuôi hướng đến sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, hạn chế tối đa sử dụng bằng nguồn cá tạp từ khai thác thuỷ sản để nuôi cá lồng bè trên biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và duy trì hệ sinh thái biển;   Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh bảo môi trường. Đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tự động để giám sát được diễn biến môi trường tại các vùng nuôi biển tập trung…/ T.H

T.H



31097