Tham dự buổi làm việc về phía Bộ NN-PTNT có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị liên quan. Về phía Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và PTNT Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) có nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội cùng các lãnh đạo và thành viên Ban Thường vụ Hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội – TS. Hà Công Tuấn cho biết, sau đại hội kiện toàn, Hội có nhiều hoạt động khởi sắc với đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia có nhiều năm gắn bó, am hiểu các hoạt động trong ngành nông nghiệp và PTNT. Tôn chỉ mục đích của Hội chính là tập hợp những hội viên có tri thức, tâm huyết và kinh nghiệm nhất định trong quá trình công tác để đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Hoạt động của Hội gắn liền với ngành nông nghiệp – nông thôn và dưới sự quản lý của Bộ NN-PTNT, ông mong muốn được Bộ tạo điều kiện chỉ đạo các đơn vị phối hợp để Hội hoàn thành được tôn chỉ mục đích đề ra cũng như các đơn vị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Trong đó việc xây dựng được chương trình phối hợp giữa Hội và các đơn vị của Bộ vì mục tiêu phát triển nông nghiệp – nông thôn là rất có ý nghĩa.

TS. Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và PTNT Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của TS. Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội tại buổi làm việc, định hướng của Hội trong thời gian tới là: Tham gia nghiên cứu cơ chế chính sách, cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững như: chuyển đổi số, phát triển chuỗi giá trị, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, HTX góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trong phạm vi cả nước.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Hội đề xuất kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm tạo điều kiện chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với Hội trong các công tác: i) Truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác và PTNT, xúc tiến thương mại; cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng NTM, các chương trình chuyên đề và các nội dung có liên quan về xây dựng nông thôn mới; ii) Tham gia xây dựng, phản biện chính sách thuộc ngành kinh tế hợp tác và PTNT, chính sách về thông tin, nghiên cứu thị trường và chính sách XTTM đối với hàng nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ và muối; giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và PTNT; iii) thực hiện các chương trình, đề tài khoa học công nghệ; iv) Tổ chức và tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học có liên quan về lý luận và thực tiễn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; v) Tạo điều kiện để Hội kết nối, tham gia các Chương trình dự án quốc tế về Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang thực hiện (nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn… tại Việt Nam, nước ngoài). Hỗ trợ các tổ chức thuộc Hội tham gia cùng các đoàn doanh nghiệp ngành nông nghiệp đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ triển lãm, diễn đàn đầu tư trong nước và nước ngoài; các đoàn doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài vào Việt Nam.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo và các thành viên của Hội và đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Văn phòng điều phối NTM trung ương đã cùng thảo luận, đưa ra phương hướng và giải pháp cho chương trình phối hợp giữa Hội và các đơn vị liên quan của Bộ để kết quả các chương trình phối hợp đạt kết quả tốt nhất góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao đóng góp quan trọng của Hội đối với hoạt động của Bộ trong thời gian qua.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Hội, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ giao Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, ra thông báo kết quả buổi làm việc của Bộ với Hội; đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục phối hợp cùng Hội làm việc để hiện thực hóa nội dung theo từng lĩnh vực cụ thể. Ngay trước mắt là tham gia vào xây dựng Chiến lược khuyến nông 2030 (đã giao Trung tâm khuyến nông), cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn (đã giao viện Chính sách Nông nghiệp và PTNT), xây dựng đề cương – khung đào tạo, tập huấn kinh tế tập thể cho đội ngũ cấp xã…
Thứ trưởng đánh giá cao việc tham gia của Hội với đội ngũ chuyên gia đa ngành, có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Bộ trong thời gian qua. Đây là cơ sở quan trọng phát huy vai trò của Hội trong áp dụng chủ trương, chính sách của ngành vào thực tiễn, đồng thời giúp Bộ nắm bắt được thực tế triển khai tại từng địa phương/vùng/miền trong từng kế hoạch cụ thể.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Vai trò của Hội tham gia trong các hoạt động thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ nói chung, các đơn vị thuộc Bộ nói riêng là hết sức cần thiết, ý nghĩa. Theo Thứ trưởng, việc tham gia tư vấn phản biện khoa học, góp ý chính sách vào các chương trình, đề án chiến lược của ngành; truyền tải, cầu nối thông tin, truyền thông giữa Trung ương và địa phương nhằm giúp Bộ tìm ra những vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực tiễn triển khai. Đồng thời, nghiên cứu, cụ thể hóa các hoạt động theo từng chương trình, chuyên đề trong hoạt động của ngành, của các đơn vị chuyên môn như: 06 chuyên đề trong xây dựng Nông thôn mới (An ninh nông thôn, Du lịch, Môi trường, OCOP…)