Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chiều 14/4, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi họp trực tuyến với Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na để giải đáp thông tin về vắc xin dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và thảo luận về việc cung cấp vắc xin DTLCP cho nước bạn.


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi họp trực tuyến với Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na

Tham dự cuộc họp tại đầu cầu Bộ NN&PTNT có đại diện Cục Thú Y, Vụ Khoa học và công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Công ty Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO). Về phía nước CH Đô-mi-ni-ca-na có Ngài Jaime Francisco Rodríguez, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt nam; Ngài Limber Cruz, Bộ trưởng Nông nghiệp CH Đô-mi-ni-ca-na; Ngài Rafael Ortiz, Thứ trưởng phụ trách Nghiên cứu; Ngài Jesús De Los Santos, Thứ trưởng và Trưởng điều phối Chương trình Phòng chống DTLCP của Bộ Nông nghiệp CH Đô-mi-ni-ca-na.

Trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên với Bộ Nông nghiệp CH Đô-mi-ni-ca-na, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự vui mừng khi quan hệ hai nước Việt Nam và CH Đô-mi-ni-ca-na đã được nâng cao lên tầm quan hệ mới, được đánh dấu bằng lễ thượng cờ nước CH Đô-mi-ni-ca-na vào ngày 25/2/2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, Việt Nam là nước nông nghiệp với tiềm năng lợi thế to lớn, nền nông nghiệp Việt Nam được coi là bệ đỡ của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Dù trong bối cảnh quốc tế phức tạp về Covid-19, biến đổi khí hậu, chiến tranh Nga-Ucraina song kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới liên tục đạt và vượt kế hoạch do Trung ương đề ra. Đặc biệt năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,53 tỷ USD, với nhiều mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD và có những mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD.

Ngành chăn nuôi Việt Nam có sản lượng nuôi lớn và mật độ nuôi cao, tốc độ tăng trưởng từ 4,5-6% trong nhiều năm qua. Quy mô giết mổ mỗi năm từ 50-51 triệu con lợn, trên 2 tỷ con gia cầm, quy mô đàn trâu, bò, dê, cừu chiếm trên 10 triệu con. Ngành chăn nuôi Việt Nam cũng thường xuyên phải đối đầu với dịch bệnh như cúm gia cầm, viêm da nổi cục, lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi. “Là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới, với tinh thần đó Việt Nam rất chia sẻ với các bạn về những khó khăn trong quá trình chống dịch bệnh DTLCP”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

Sau quá trình nghiên cứu với sự phối hợp của Mỹ, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin DTLCP. Qua quá trình khảo nghiệm, kiểm định chặt chẽ, tỉ lệ đáp ứng miễn dịch 93,33% và độ dài miễn dịch đạt 5-6 tháng. Bộ NN&PTNT sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác giữa hai nước đảm bảo lợi ích chung và cùng phát triển.

Đáp lời Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Nông nghiệp CH Đô-mi-ni-ca-na cảm ơn về cuộc họp vô cùng quan trọng này và chia sẻ về những khó khăn của ngành chăn nuôi trong nước kể từ khi DTLCP xuất hiện vào tháng 7/2021. Toàn ngành chăn nuôi nước CH Đô-mi-ni-ca-na đã làm việc vất vả để tìm cách ngăn chặn dịch lây lan. Hiện tại, Đô-mi-ni-ca-na đã duy trì kiểm soát một phần tác động đến ngành chăn nuôi, nhưng chưa xóa bỏ hoàn toàn dịch bệnh.

 Ngài Limber Cruz, Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na

Bộ trưởng Limber Cruz nói: Chúng tôi luôn tìm kiếm hỗ trợ từ bạn bè thế giới, đặc biệt từ Việt Nam với thành công trong sản xuất vắc xin, và cũng mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm chống dịch DTLCP của Việt Nam.

CH Đô-mi-ni-ca-na có dân số hơn 11 triệu người, tổng đàn lợn khoảng 2 triệu con, sản xuất và tiêu thụ thịt chiếm phần lớn trong tổng sản lượng thịt của cả nước. Ước tính số lượng hiện tại của nước này sau khi chịu tổn thất nặng nề của DTLCP khoảng 1,2 triệu con lợn. Chính phủ hiện rất lo lắng bởi dinh dưỡng của người dân thiếu hụt do sản lượng giết mổ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng Limber Cruz mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững với Việt Nam trong lĩnh vực vắc xin DTLCP để có thể giảm thiểu tỉ lệ tử vong trên đàn lợn hiện tại, từ đó có thể phục hồi sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo chống dịch DTLCP, Thứ trưởng Jesús De Los Santos cho biết, bắt đầu từ thời điểm bùng dịch, Bộ Nông nghiệp đã có những biện pháp nhằm giảm thiểu sự lây lan cũng như tác động tiêu cực của dịch bệnh theo từng vùng. Ngành chăn nuôi cũng đạt được một số thành công nhất định, hiện tỉ lệ tử vong của lợn đã giảm nhanh trong vài tuần gần đây. Chúng tôi cũng áp dụng các biện pháp dịch tễ tốt nhất để giảm thiểu các trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Bộ nông nghiệp vẫn xác định đây chỉ là biện pháp tạm thời, quan trọng nhất vẫn là tiêm vắc xin cho số đàn lợn hiện tại. Do đó, Bộ Nông nghiệp mong được hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Việt Nam đối với các chủng virut tìm thấy trên đàn lợn chết tại CH Đô-mi-ni-ca-na.

Họp trực tuyến với Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na để giải đáp thông tin về vắc xin dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)

Thứ trưởng Santos đề nghị Bộ NN&PTNT cử đoàn công tác gồm các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật để giúp Bộ Nông nghiệp Đô-mi-ni-ca-na tiến hành thực nghiệm tại chỗ. Ông cũng đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ một lượng vắc xin ban đầu để tiêm thử nghiệm, trước khi đặt vấn đề mua số lượng đủ cho toàn bộ đàn lợn của nước này.

Đồng cảm với những người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Đô-mi-ni-ca-na, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao định hướng của Thứ trưởng Santos về các biện pháp phòng, chống dịch ban đầu, tuy nhiên cần rất nhiều giải pháp tiến hành đồng bộ để giải quyết triệt để DTLCP. Thứ trưởng Tiến khẳng định: Vắc xin là một lá chắn thép để giải quyết DTLCP.

Trên cơ sở đề nghị của phía CH Đô-mi-ni-ca-na, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhất trí thành lập nhóm hợp tác KHKT về vắc xin và phòng chống DTLCP và phân công Cục Thú Y sẽ là đơn vị thực hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan và đầu mối từ Bộ Nông nghiệp Đô-mi-ni-ca-na để đưa ra bản thỏa thuận chi tiết. Ngoài hợp tác về vấn đề DTLCP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác với CH Đô-mi-ni-ca-na về thương mại nông sản hai chiều./.

 

 

NLA (Mard.gov.vn)



31903