Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chiều ngày 27/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và kế hoạch năm 2023, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra giải pháp mục tiêu cụ thể cho năm 2023.


Ngành thủy sản có một năm thắng lợi khi xuất khẩu đạt 11 tỉ USD

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị.

Năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, các quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid 19. Nền kinh tế trong nước được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Các địa phương đã và đang tích cực tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là các nội dung thực hiện nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), tạo sự chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển nghề cá bền vững. Thời tiết cơ bản thuận lợi tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản trên biển phát triển.

Tuy nhiên, năm 2022 đứng trước không ít những thách thức với sự biến chuyển diễn ra rất nhanh, trong một thời gian ngắn như Đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ucraina đã và đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo nên trong những tháng đầu năm 2022 có giai đoạn các đội tàu phải ngưng/giảm…hoạt động khai thác. Giá cả một số hàng hóa đầu vào phục vụ phát triển thủy sản tăng, nhất là giá xăng dầu, thức ăn thủy sản, nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.

Trong bối cảnh chung, ngành Thủy sản luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con ngư dân trên cả nước. Ngành Thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, được khẳng định là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần cho đà tăng trưởng của cả nước.

Tại hội nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Nguyệt Thu cho biết năm 2022 giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn.

Đây là năm thứ hai Tổng cục Thủy sản thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm này, các chỉ tiêu của ngành đều đạt vượt mức đề ra.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch 9 tỉ USD.

Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng đó là tôm với khoảng 4,2 tỉ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021), cá tra đạt 2,35 tỉ USD (tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước).

Trong năm 2023, về diện tích sản xuất, toàn ngành phấn đấu cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2022 với tổng diện tích 1,3 triệu ha. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha). Về sản lượng thủy sản, tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng./.

Tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,74 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Về các sản phẩm quốc gia, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,62 triệu tấn, tôm nước lợ 960 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2023, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tập trung tham mưu Lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá năm 2022 là một năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã đưa ra kịch bản, các đối sách để tháo gỡ những khó khăn, thách thức. Năm 2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn của cả ngành hàng, đặc biệt, việc duy trì chuỗi sản xuất liên tục, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường.

Năm 2022, trong bối cảnh xăng dầu tăng thì ngành nông nghiệp giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, việc tăng nuôi nhờ sự chuẩn bị từ năm 2021 hay đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng.

Bên cạnh đó, thành tựu khoa học kỹ thuật được áp dụng vào để nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh. Về chế biến, công suất chế biến đã được khai thông, giá trị gia tăng trong các sản phẩm được tăng cao.

Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy thì ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường kể cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU và gần đây là Trung Quốc. Nhờ đó, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Về kế hoạch xuất khẩu năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,7 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2023, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ tháng 8-2022. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023.

BBT tổng hợp



31560